Học làm giàu trong tù

154

Sở hữu trang trại cho doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều bạn trẻ, được T.Ư Đoàn trao giải Lương Định Của…, Nguyễn Thanh Tuấn, 33 tuổi, tâm sự thành quả này một phần nhờ học hỏi được từ trong tù.

Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh: L.N.

Năm 2002, tốt nghiệp ĐH Công nghệ thông tin TPHCM, Thanh Tuấn (quê xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) bám trụ ở TP, làm cho một doanh nghiệp bất động sản. Thời gian sau Tuấn bất ngờ bỏ việc về quê khi anh phát hiện Cty làm ăn gây hại cho khách hàng.

Tay trắng, đang nung nấu nghĩ cách làm ăn, cũng là lúc gia đình nhận được 60 triệu đồng từ việc đền bù giải tỏa đất làm khu công nghiệp. Tuấn dùng số tiền này mua khu đồi đất khô cằn, nhiễm phèn, không đường, không điện để làm trang trại. Bố mẹ biết chuyện bảo Tuấn bị khùng.

Hết tiền, Tuấn thế chấp khu đồi mới khai hoang để vay ngân hàng 40 triệu đồng, đầu tư làm đường, kéo điện về, làm mương dẫn nước; nhanh chóng biến vùng đất phèn mặn thành trang trại nuôi cá, lợn.

Đến năm 2006, trang trại của Tuấn đã có giá trị trên 600 triệu đồng, đàn heo hơn 200 con, đàn bò hơn 30 con…

Giữa lúc đang phất lên, Tuấn bị kết án 3 năm tù do liên đới vụ việc của Cty bất động sản mà mình từng làm hồi mới ra trường. Tuấn thụ án, để lại phía sau người vợ trẻ mới cưới được 14 ngày.

Biến tai ương thành cơ hội

Thời gian cải tạo ở trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), một lần nghe cán bộ trong trại kể về việc người dân vùng cát Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) làm giàu nhờ nuôi con nhông, Tuấn bắt đầu mày mò tìm hiểu.

Trang trại của Tuấn nay được mở rộng lên 16.000m2, ngoài nhông còn có hơn 1.000 con ba ba, vài chục con heo rừng, kì đà, rắn, cùng vườn cây ăn quả đủ loại. Năm 2010, trang trại thu lãi trên 600 triệu đồng.

Tranh thủ những lúc đi lao động, Tuấn tìm bắt nhông, rồi xin trại cho đem về nuôi thử. Nhờ cải tạo tốt, Tuấn được giảm án xuống còn 2 năm. Ngày ra trại, Tuấn nhảy xe ra Hàm Thuận Bắc để tìm hiểu kĩ về con nhông, sau đó mới về quê.

Ở quê, trang trại ngày nào giờ hoang tàn. Tuấn mua 100 con nhông về nuôi. Tuấn lai tạo giống nhông để cho ra đời giống nhông thích ứng thời tiết Quảng Nam. Đến nay trang trại của Tuấn đã có trên 10.000 con nhông, cung cấp cho thị trường cả nước trên 50.000 con giống (năm 2010).

Tuấn cho biết trang trại cho doanh thu, lợi nhuận cao nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong việc làm chuồng trại, ấp trứng…

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Tuấn còn giúp đỡ những gia đình khó khăn cùng nuôi nhông. Đến nay, có hơn 30 hộ trong vùng làm tốt và đã thoát nghèo. Ngoài làm kinh tế, Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện của tỉnh nhà. Năm 2010, Tuấn đóng góp hơn 300 triệu đồng để xây dựng các công trình thanh niên. 

Theo Tiền Phong