Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nói về nhà Nguyễn

10723

…Xin cho tôi được chọn và trích dẫn ra đây một vài bài viết của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từng kịch liệt phê phán vương triều nhà Nguyễn trong suốt nửa thế kỷ, nhằm giúp chúng ta có cơ sở thẩm định về quan điểm chính trị và học thuật của một số người làm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu Sử học hiện nay.

Nhà sàn của Bác

Trong thư gửi ông Utơlây, ngày 16/10/1919, Nguyễn Ái Quốc viết: ”Ngay trong cái cung điện Huế cũ kỹ và tối tăm, mà cuộc sống tù hãm, trụy lạc đã nhấn chìm những người sống trong đó vào sự nhu nhược, đến nỗi họ dửng dưng trước mọi việc diễn ra bên ngoài…”

– Trong ”Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” ngày 21/9/1923, Nguyễn Ái Quốc viết: ”Triều đình và vua quan (nhà Nguyễn) lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp khinh bỉ và nhân dân ghét”.

– Trong bài ”Nên học sử ta” đăng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 01/02/1942, Nguyễn Ái Quốc viết: ”Trước khi vua Gia Long bán nước cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập”. ”Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hoá làm trâu ngựa”.

-Trong bài diễn ca ”Lịch sử nước ta”, do Việt Minh Tuyên Truyền Bộ xuất bản, tháng 2/1942, Nguyễn Ái Quốc đã viết về vua Gia Long như sau:

”Gia Long lại dấy can qua

Bị Tây Sơn đuổi,

chạy ra nước ngoài

Tư mình đã chẳng có tài

Nhờ Tây qua cứu,

tính bài giải vây

Nay ta mất nước thế này

Cũng vì vua Nguyễn

rước Tây vào nhà

Khác gì cõng rắn cắn gà

Rước voi giày mả, thiệt là ngu si”.

Và Nguyễn Ái Quốc đã viết về vua Tự Đức như sau:

”Nay ta mất nước nhà tan

Cũng vì những lũ vua quan

ngu hèn

Năm Tự Đức thập thất niên

Nam Kỳ đã lọt dưới quyền

giặc Tây

Hăm lăm năm sau trận này

Trung Kỳ cũng mất,

Bắc Kỳ cũng tan

Ngàn năm gấm vóc giang san

Bị vua họ Nguyễn

đem hàng cho Tây!

Tội kia càng càng đắp càng dày

Sự tình càng nghĩ

càng cay đắng lòng”.

Trong bài diễn ca này, Nguyễn Ái Quốc đã điểm những cột mốc lịch sử quan trọng như sau: “Năm 1794, Gia Long thông với Tây. Năm 1847, Tây bắt đầu đánh nước ta. Năm 1862, vua nhà Nguyễn bắt đầu hàng Tây”.

– Trong ”Báo cáo đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài” họp tại Thành phố Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), vào tháng 3/1944, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu: ”Năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước bán nước, cắt nhượng ba tỉnh Sài Gòn, Biên Hoà, Mỹ Tho cho giặc Pháp”.

– Trong ”Trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo” (Trung Quốc), ngày 3/4/1949, Hồ Chủ tịch đã viết bài về Bảo Đại-ông vua cuối cùng của vương triều Nguyễn như sau: ”Vĩnh Thụy trở về nước với hơn 10.000 viện binh Pháp để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân, là một tên phản quốc”.

– Trong quyển ”Thường thức chính trị” do Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành lần đầu năm 1954, Bác Hồ chỉ rõ: “Hơn 80 năm trước đây, đế quốc Pháp thấy nước ta người đông, của nhiều, bèn dùng vũ lực sang cướp nước ta. Giai cấp phong kiến (vua, quan) thì hủ bại hèn nhát, chỉ biết bán nước, không dám chống giặc”.

– Trong ”Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi” tại kỳ họp thứ XI Quốc hội khoá I, ngày 18/12/1959, Bác Hồ viết: ”Giữa thế kỷ XIX, đế quốc Pháp bắt đầu xâm lược nước ta: Bọn vua quan phong kiến đã đầu hàng giặc ngoại xâm và bán nước ta cho đế quốc Pháp. Trong gần một thế kỷ, đế quốc Pháp đã cấu kết với giai cấp phong kiến để thống trị nước ta một cách vô cùng tàn bạo”.

Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với lịch sử là rất sòng phẳng, phân minh. Người không hề công kích các chúa Nguyễn. Cùng với việc kịch liệt phê phán Gia Long và Tự Đức, Người đã từng viết bài trên báo chí nước ngoài để đề cao tinh thần yêu nước của 3 ông vua thứ 8, thứ 10 và thứ 11 của vương triều nhà Nguyễn là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 12/7/1940, Nguyễn Ái Quốc viết: ”Năm 1885 vua Hàm Nghi và năm 1916 vua Duy Tân đã đứng ra lãnh đạo chống Pháp”.

Chúng ta còn được biết thêm một sự kiện rất lý thú: Ngày 24/02/1920, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được thư của Hoàng thân Vĩnh San (vua Duy Tân), gửi cho Chủ nhiệm báo L’Humanité về việc đòi độc lập cho Việt Nam. Trung tuần tháng 3/1920, Nguyễn Ái Quốc gặp hai đồng chí Mácxen Casanh, Giăng Lông Ghê và báo L’Humanité đã mời Nguyễn Ái Quốc đến trụ sở để bàn về vấn đề này.

Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, trải qua 15 năm hoạt động bí mật trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đảng đã từng kịch liệt lên án vương triều nhà Nguyễn (Chính phủ Nam triều) và ông vua “bù nhìn Bảo Đại”.

– Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (27-31/3/1935), đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong chỉ rõ: Chính sách mới của đế quốc Pháp và mưu mô mới của bọn thống trị bản xứ là ”trả quyền cho bù nhìn Bảo Đại, cải cách Nam triều, lập nguyên lão nghị viện. Thi hành các chính sách ấy, không phải trở lại điều ước nô lệ năm 1884 như nhiều người đã tưởng mà là kiên cố quyền thống trị của đế quốc Pháp”.

– Trong Nghị quyết của cuộc Hội nghị Trung ương lần thứ VI nổi tiếng (6-8/11/1939), do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trình bày, đã phân tích kỹ:”Chính phủ Nam triều Bảo Đại đã hoàn toàn bán mình cho đế quốc Pháp, làm tay sai đắc lực cho đế quốc trong cuộc đàn áp phong trào cách mệnh năm 1930-1931”. ”Bảo Đại đã hoàn toàn làm nô lệ một cách vô liêm sỉ cho đế quốc”.

Qua một số ít tư liệu mà tôi trích dẫn trên đây, tự nó, đã xác minh quan điểm chính thống về Sử học của Bác Hồ và của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc đánh giá vương triều nhà Nguyễn đã và đang bị một số nguời cố tình phản bác.

Quả thực cho đến nay, không phải trong giới Sử học ai cũng đồng thuận với khuynh hướng tư tưởng ấy. Ngay tại cuộc hội thảo lần này, không ít người như giáo sư Văn Tạo – nguyên Viện trưởng Viện Sử học đã khẳng định: Thống nhất đất nước của Tây Sơn là gắn với độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, còn thống nhất đất nước của vua Gia Long nhờ cắt đất dâng cho thực dân mà có được. Đây rõ ràng là có tội như ông cha ta đã từng phê phán là ”Rước voi về giày mả tổ”, ”Cõng rắn cắn gà nhà”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, tôi biết rõ giáo sư Trần Văn Giàu – một nhà Sử học lão thành bậc thầy được cán bộ và nhân dân mến mộ, cũng đã giữ quan điểm đúng đắn trong việc đánh giá vương triều nhà Nguyễn. Chính vì lẽ ấy đồng chí Trần Văn Giàu đã không đồng tình với tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về Phan Thanh Giản bằng lối văn hư cấu tuỳ tiện, thoát ly hiện thực lịch sử…

Theo dõi cuộc hội thảo được tổ chức với quy mô lớn tại tỉnh Thanh Hoá, được báo chí tuyên_truyền rầm rộ, nhiều người dân Sài Gòn trước đây ngạc nhiên nói: ”Những câu: ”Gia Long cõng rắn cắn gà nhà”, “Rước voi về giày mả tổ”, ”Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”,…đâu phải đến thời bây giờ mới có và đâu phải chỉ lưu hành riêng ở miền Bắc. Nhớ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tại thành phố này qua các bậc trung học và đại học, chúng tôi đã từng nghe các giáo sư dưới chế độ cũ khi bước lên bục, đều giảng như vậy cả. Thế nhưng không hiểu vì sao, hàng chục năm qua, một số người làm công tác nghiên cứu Sử học ở miền Bắc lại tìm mọi cách để phản bác những câu đó?”.

Không chỉ Bác Hồ, trong thế kỷ XX, các đồng chí lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta (như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…) cũng đều đánh giá vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Không ai bài bác và bôi nhọ thanh danh các chúa Nguyễn. Cũng chẳng có ai phủ nhận sự đóng góp của triều nhà Nguyễn trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá và văn nghệ…

Sử học là một trong những lĩnh vực hoạt động hết sức nhạy cảm và có tầm quan trọng sống còn trên trận địa tư tưởng. Nếu chúng ta không quan tâm chăm lo củng cố sự vững mạnh của ngành Sử học kể cả trên ba mặt: về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức, ắt sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Nếu những vấn đề trên đây không được giải quyết rốt ráo, sẽ dẫn đến sự rối loạn về nhận thứctrong xã hội. Thật vậy, trong việc đánh giá vương triều nhà Nguyễn, hàng chục triệu nhân dân ta – nhất là một khối lượng rất lớn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang ngồi học tập và viết luận án khoa học trên ghế nhà trường sẽ nghe và viết theo quan điểm của ai? Nghe và viết theo sự chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh, theo quan điểm Sử học của Đảng ta, hay nghe và viết theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu lịch sử đã và đang được công khai quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cuộc hội thảo vừa qua tại tỉnh Thanh Hoá và trong những cuộc hội thảo trước đó.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chủ trương của Hội Khoa học lịch sử về việc gấp rút tiến hành chỉnh sửa sách giáo khoa phổ thông về Sử học và chuẩn bị biên soạn bộ quốc sử mới, như báo chí đã nhất loạt đưa tin. Đây là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng.

Chúng tôi hoàn toàn không yên tâm nếu như nhiệm vụ này được giao trọn gói cho những người đã từng đi chệch tư tưởng Hồ Chí Minh về Sử học và đã nặng lời công kích “phương pháp luận Sử học mác-xít ấu trĩ, giáo điều, công thức”. Vậy thì thử hỏi, nếu giao cho họ chỉnh sửa sách giáo khoa Sử học và biên soạn bộ quốc sử của nước nhà, họ sẽ đứng trên quan điểm lập trường nào và theo phương pháp luận Sử học của ai? Điều đó chắc chắn sẽ gây ra cho chúng ta những tổn thất không nhỏ trong lĩnh vực công tác giáo dục, cũng như trên địa hạt tư tưởng.

Nguyễn Phước Hữu (website Đảng cộng sản Việt Nam)