Sinh viên sáng chế “xe đạp trên mặt nước”

1853

Với mục đích tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch, nhu cầu xã hội, sinh viên Trần Đức Tuấn (Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang) đã nghiên cứu chế tạo sản phẩm xe đạp có thể di chuyển trên mặt nước.

Những năm gần đây, các loại hình du lịch giải trí trên nước khá phát triển, trong đó có mô hình xe đạp trên nước. Đây là loại phương tiện du lịch còn khá mới mẻ ở nước ta. Từ thực tế trên, sinh viên Trần Đức Tuấn đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống hỗ trợ giúp xe đạp hoạt động trên nước. Mục đích của đề tài nghiên cứu là làm cho một chiếc xe đạp thông thường, sau khi được gắn thêm các thiết bị cùng lắp ráp hệ thống phao, truyền động, khung sườn sẽ trở thành một chiếc xe đạp có thể giúp di chuyển trên nước.

Sản phẩm xe đạp trên mặt nước của sinh viên Trần Đức Tuấn.
Sản phẩm xe đạp trên mặt nước của sinh viên Trần Đức Tuấn.

Nhìn qua, đây sẽ chỉ là chiếc xe đạp thông thường được gắn thêm một số chi tiết. Khi đến khu vực sông, biển, người dùng có thể lắp ráp các trang bị kèm theo của xe để chuyển đổi cơ chế hoạt động từ trên bờ sang hoạt động dưới nước, có thể nói đây là chiếc xe đạp 2 trong 1”, Tuấn chia sẻ.

Theo Tuấn, các loại hình xe đạp di chuyển trên nước khá phổ biến ở nước ngoài, tuy nhiên giá thành khá cao, dao động từ hàng chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Ở trong nước, một số cơ sở sản xuất thiết bị bằng vật liệu composite và các công ty du lịch cũng đã nghiên cứu chế tạo hoặc nhập từ nước ngoài các loại xe đạp nước phục vụ du lịch biển, nhưng giá thành vẫn chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng. Qua quá trình phân tích các loại xe đạp nước điển hình trên thế giới và Việt Nam, kế thừa những ưu điểm và loại bỏ những khuyết điểm các loại xe đã có, sản phẩm của Tuấn dần tiếp cận được những tiêu chí như: Giá thành thấp, tháo lắp nhanh, tiện lợi. Điểm khác biệt và độc đáo của sản phẩm so với các loại xe đạp dưới nước khác là các bộ phận giúp di chuyển trên mặt nước của xe có thể linh động tháo, lắp để vừa có thể di chuyển trên đường bộ lẫn dưới nước.

Cấu tạo của xe đạp trên mặt nước gồm 1 chiếc xe đạp thông thường được gắn thêm những chi tiết cần thiết; 2 phao bơm hơi; chân vịt; cáp truyền động; khung kim loại tháo lắp được. Cơ chế hoạt động của xe khá đơn giản, bộ phao đôi với chiều dài 2m được bơm không khí giúp xe nổi trên mặt nước. Khi gắn xe vào hệ thống khung, bánh xe sau tiếp xúc với hệ thống truyền động, khi đạp xe sẽ tạo ma sát lên bộ truyền động được liên kết với chân vịt, giúp xe di chuyển về trước; bánh xe trước được kết nối với bộ điều hướng giúp điều chỉnh hướng đi. Việc lắp ráp để từ một chiếc xe đạp bình thường thành xe đạp trên mặt nước mất khoảng 15 đến 20 phút. Hoạt động tuy đơn giản, nhưng để chế tạo ra lại không hề dễ dàng, vì cần có các chi tiết, linh kiện, Tuấn và giảng viên hướng dẫn đều phải tự chế tạo hay tái sử dụng các chi tiết của máy móc khác, tinh chỉnh sao cho hoạt động ổn định.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ – Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, giảng viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học của Tuấn cho biết, qua 1 năm nghiên cứu và thực hiện, đến nay, sản phẩm xe đạp dưới nước của sinh viên Trần Đức Tuấn đã cơ bản hoàn thiện và được chạy thử để tinh chỉnh thêm, tối ưu hóa chi phí, cơ chế hoạt động. Sản phẩm có tính ứng dụng cao, giá thành rẻ hơn các sản phẩm đang có trên thị trường, hướng tới đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong dịch vụ du lịch, phục vụ nhu cầu hoạt động thể dục thể thao hay đời sống người dân.

V.THÀNH


https://baokhanhhoa.vn/doi-song/202007/sinh-vien-sang-che-xe-dap-tren-mat-nuoc-8173980/