Công tác Xây dựng lực lượng Công an nhân dân nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới

321

 

(Trích tham luận của đồng chí Ðại tướng LÊ HỒNG ANH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an)


…Năm năm qua, Ðảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, chính sách có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân như: Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia; Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…; Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh Tình báo, Pháp lệnh Cảnh vệ, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự; Nghị định 77 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Bộ Công an…

 

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội Nhân dân, Bộ Ngoại giao, các cấp, các ngành  huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đất nước hội nhập và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nổi bật là:

 

Bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, các hội nghị quốc tế tổ chức ở Việt Nam; đấu tranh làm thất bại âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; an ninh trật tự ở các địa bàn chiến lược được giữ vững, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, biểu tình, bạo loạn; không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, không để xảy ra đột xuất bất ngờ.

Tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, từng bước kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án, trong đó đã điều tra, truy tố trên 90% các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ án tham nhũng. Tai nạn giao thông bước đầu được kiềm chế, trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng lực lượng CAND từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy. Ðội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc và nhân dân; tận tụy với công việc, vượt mọi khó khăn, không ngại hy sinh, hoàn thành nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ và còn mất cảnh giác trước âm mưu, hoạt động ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, kết quả còn hạn chế. Cơ chế chỉ đạo và phương án giải quyết một số vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự giữa các cấp, ngành, đoàn thể chưa đầy đủ nên việc giải quyết các vụ việc xảy ra còn bị động, lúng túng và kém hiệu quả. Ðầu tư kinh phí, trang bị phương tiện cho lực lượng Công an chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác chiến đấu trong tình hình mới.

… Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng – an ninh nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X trình Ðại hội XI của Ðảng là: ‘Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống…’.

Ðể thực hiện mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra là: Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của Ðảng ủy Công an Trung ương, năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp trong Công an, nhất là chất lượng cấp ủy và tổ chức đảng các cấp phải ngang tầm nhiệm vụ, có đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Giữ vững nguyên tắc Ðảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện về mọi mặt; bám sát và phục vụ đắc lực việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ðảng trong thời kỳ hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Nhiệm vụ cụ thể là:

1. Tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, Ðiều lệ Ðảng và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức đảng trong Công an nhân dân. Tập trung xây dựng tổ chức đảng trong Công an trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh đấu tranh phê bình, tự phê bình, tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc.

Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ đội ngũ cán bộ, chủ động phòng ngừa, không để các thế lực thù địch tác động nhằm phi chính trị hóa lực lượng Công an nhân dân.

2. Ðổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ’ gắn với thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Xây dựng lực lượng công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc và nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: công an của ta là ‘Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc’…

3. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, gắn với kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chỉ huy các cấp, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các lực lượng trong Công an nhân dân, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu và Công an cấp huyện, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Ðổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển giáo dục – đào tạo trong Công an nhân dân. Ðầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

4. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách cán bộ để thực sự trở thành nguồn lực, là đòn bẩy trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân như: chính sách về nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ; chính sách thu hút, sử dụng nhân tài vào làm việc trong lực lượng Công an nhân dân; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia giỏi để họ yên tâm công tác, phát huy sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

5. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nâng cao khả năng tham mưu hoạch định đường lối, chính sách bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tập trung nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác công an. Xây dựng cơ chế chỉ đạo, quản lý, điều hành thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, nhằm nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

6. Tăng cường hợp tác với các cơ quan an ninh, cảnh sát các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm… nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài.

7. Ðổi mới hình thức, nội dung, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Ðẩy mạnh thực hiện các nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp hành động với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các bộ, ban, ngành trong công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

8. Tăng cường tiềm lực tài chính, hậu cần – kỹ thuật, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân. Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp an ninh, có chính sách huy động và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của thế giới và trong nước vào việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.