I- Tiêu chuẩn phân loại đoàn viên:
1. Dựa trên tiêu chí ‘3 tốt’:
– Phẩm chất tốt:
1. Lối sống lành mạnh, không mắc tệ nạn xã hội.
2. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt và các lĩnh vực công tác.
3. Đoàn kết, trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh tự phê bình và phê bình.
4. Có uy tín trước tập thể chi đoàn và thanh thiếu nhi.
5. Tuyên truyền gia đình, quần chúng nhân dân thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, của Đoàn và pháp luật Nhà nước.
– Chuyên môn tốt:
1. Có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn ở nơi công tác, sinh hoạt.
2. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc của mình ở mọi nơi, mọi lúc.
3. Đạt hiệu quả cao trong lao động, học tập và công tác, mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình, cơ quan, đơn vị…
4. Thực hiện đúng quy chế, quy định, quy trình, quy phạm và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực mình công tác, hoạt động.
5. Kết quả làm việc được tập thể ghi nhận và đánh giá cao.
– Hoạt động tốt:
1. Tham gia đầy đủ các hoạt động do chi đoàn tổ chức hoặc triệu tập.
2. Chủ động hiến kế, đề xuất sáng kiến xây dựng và thực hiện các chương trình công tác của chi đoàn.
3. Thường xuyên theo dõi nắm bắt những thông tin thời sự về hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội ở các cấp, đặc biệt là dư luận quần chúng tại địa phương, đơn vị đánh giá kết quả hoạt động của công tác Thanh thiếu nhi.
4. Giới thiệu kết nạp được đoàn viên mới.
5. Đóng đoàn phí đầy đủ; giữ gìn nghiêm túc Thẻ Đoàn viên; đeo huy hiệu Đoàn trong các buổi sinh hoạt, hoạt động của Đoàn.
2. Đánh giá, phân loại đoàn viên theo 4 mức:
a. Đoàn viên tốt:
– Thực hiện tốt tiêu chí ‘3 tốt’ và 3 nhiệm vụ của người đoàn viên (theo quy định tại Điều 2 – Điều lệ Đoàn TNCS Hồ chí Minh).
– Thực hiện tốt Chương trình RLĐV cả về nhận thức và hành động.
*Lưu ý: Trong số đoàn viên được đánh giá, phân loại Tốtttt sẽ bình chọn ra những Đoàn viên xuất sắcccc (Là những đoàn viên ưu tú có đủ điều kiện để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp).
b. Đoàn viên khá:
– Thực hiện khá tiêu chí ‘3 tốt’ và 3 nhiệm vụ của người đoàn viên.
– Thực hiện khá Chương trình RLĐV cả về nhận thức và hành động.
c. Đoàn viên trung bình:
– Có ý thức thực hiện tiêu chí ‘3 tốt’ và 3 nhiệm vụ của người đoàn viên.
– Thực hiện Chương trình RLĐV đạt mức trung bình.
d. Đoàn viên yếu kém:
– Thiếu ý thức trong việc thực hiện tiêu chí ‘3 tốt’.
– Chưa hoàn thành nhiệm vụ của người đoàn viên và Chương trình RLĐV.
3. Phương pháp đánh giá, phân loại đoàn viên:
1. Yêu cầu:
– Xác định rõ mục đích, ý nghĩa của công tác đánh giá, phân loại đoàn viên đó là: Đánh giá quá trình rèn luyện, phấn đấu của người đoàn viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi đoàn và sự tự rèn luyện của bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đoàn viên. Qua đó tạo động lực và định hướng tiếp tục rèn luyện, phấn đấu.
– Xác định rõ các bước trong quy trình đánh giá, phân loại đoàn viên do BCH chi đoàn hướng dẫn. Trên cơ sở đó, mỗi đoàn viên cần thực hiện một cách nghiêm túc, đồng thời tham gia đóng góp các ý kiến với tinh thần chân thành, thẳng thắn và xây dựng.
– Định kỳ 6 tháng và hàng năm chi đoàn tổ chức đánh giá, phân loại đoàn viên.
2. Các bước thực hiện:
– Bước 1: Đoàn viên làm tự kiểm điểm về quá trình rèn luyện của bản thân (ưu, khuyết điểm trên các mặt) và tự đánh giá, phân loại theo các tiêu chí trên.
– Bước 2: Chi đoàn họp để đánh giá, phân loại đoàn viên. Trong cuộc họp, đoàn viên tự kiểm điểm, các đoàn viên khác đóng góp ý kiến.
– Bước 3: Biểu quyết (nếu cần thiết có thể bỏ phiếu kín) về kết quả đánh giá, phân loại đối với từng đoàn viên trong chi đoàn.
II. Đánh giá, phân loại chi đoàn:
1. Dựa trên tiêu chí ‘3 nắm, 3 biết, 3 làm’:
a. Nắm 3 đối tượng:
– Đoàn viên: Chi đoàn phải quản lý tốt đoàn viên trong chi đoàn, nắm rõ số lượng, chất lượng, thành phần, năng lực, kỹ năng, hoàn cảnh và nhu cầu của từng đoàn viên.
– Thanh niên: Chi đoàn phải nắm được số lượng, danh sách, phân tích thành phần thanh niên trên địa bàn, trong đơn vị thuộc chi đoàn quản lý.
– Thiếu nhi: Chi đoàn phải nắm được số lượng, danh sách cụ thể các em thiếu nhi, đặc biệt các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trong đơn vị thuộc chi đoàn quản lý.
b. Biết 3 nội dung:
– Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đang được thực hiện tại địa phương, đơn vị. Đặc biệt phải biết rõ những nội dung mà chi bộ phụ trách chi đoàn đặt ra cho công tác thanh thiếu nhi; Nắm được những chủ trương, những vấn đề chính trong Nghị quyết của cấp uỷ Đảng cấp trên liên quan đến công tác thanh thiếu nhi.
– Các phong trào lớn và Chương trình hành động của Đoàn, Hội, Đội: Nắm được tên gọi, chủ trương, giải pháp triển khai và tổ chức thực hiện của cấp trên. Cụ thể hóa thành nội dung chương trình hành động của chi đoàn.
– Nhu cầu của thanh thiếu nhi: Chi đoàn biết được có bao nhiêu đoàn viên, thanh niên đang cần và có nhu cầu về học tập, việc làm, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt chính trị…; bao nhiêu thiếu nhi cần được chăm sóc giúp đỡ về từng vấn đề cụ thể; biết được tình hình xã hội trên địa bàn, trong đơn vị có tác động ảnh hưởng đến thanh thiếu nhi.
c. Làm 3 việc:
– Đại diện, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
– Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.
– Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội để làm tốt công tác thanh thiếu nhi, chăm lo xây dựng chi đoàn vững mạnh; tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư; tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền ở cơ sở.
2. Dựa vào tiêu chí ‘3 nắm, 3 biết, 3 làm’ để đánh giá, phân loại Chi đoàn theo 4 mức:
a. Chi đoàn vững mạnh:
– Thực hiện xuất sắc tiêu chí.
– Có ít nhất 2/3 tổng số đoàn viên được đánh giá, phân loại tốt và khá, không có đoàn viên yếu kém.
– Tập hợp đoàn kết được từ 45-50% tổng số thanh niên sinh sống trên địa bàn.
– Hàng năm kết nạp được từ 10-15% đoàn viên mới.
– Hàng năm giới thiệu cho Đảng được từ 5-10% đoàn viên ưu tú.
b. Chi đoàn khá:
– Thực hiện tiêu chí ở mức độ khá (đạt tối đa 2/3 nội dung yêu cầu và chỉ tiêu hành động để thực hiện tiêu chí).
– Có ít nhất 1/2 tổng số đoàn viên được đánh giá, phân loại tốt và khá, không có đoàn viên yếu kém.
– Tập hợp đoàn kết được từ 40-45% tổng số thanh niên sinh sống trên địa bàn.
– Hàng năm kết nạp được từ 5-10% đoàn viên mới.
– Hàng năm giới thiệu cho Đảng được từ 3-5% đoàn viên ưu tú.
d. Chi đoàn trung bình:
– Thực hiện tiêu chí ở mức độ trung bình (đạt tối đa 1/2 nội dung yêu cầu và chỉ tiêu hành động để thực hiện tiêu chí).
– Có ít nhất 1/4 tổng số đoàn viên được đánh giá, phân loại tốt và khá, còn đoàn viên yếu kém nhưng chiếm tỷ lệ không quá 5%.
– Hàng năm có kết nạp được đoàn viên mới.
e. Chi đoàn yếu kém:
Không thực hiện được tiêu chí, có bộ máy BCH chi đoàn nhưng tồn tại mang tính hình thức, không tổ chức và duy trì được sinh hoạt và hoạt động của chi đoàn.
3. Trong quá trình đánh giá, phân loại chi đoàn cần lưu ý một số vấn đề:
– Yêu cầu về mức độ nắm bắt tiêu chí để đánh giá, phân loại chi đoàn có khác nhau: Bí thư chi đoàn và Uỷ viên BCH chi đoàn phải nắm bắt đầy đủ, đoàn viên nắm bắt những vấn đề cơ bản.
– Bản chất để đánh giá, phân loại chi đoàn là tính chủ động công tác.
– Những chi đoàn trung bình và yếu kém cần được BCH Đoàn cơ sở và chi uỷ chi bộ phụ trách chi đoàn phối hợp tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục cụ thể, kịp thời.
– Đoàn cơ sở trực tiếp hướng dẫn đánh giá, phân loại và xét công nhận kết quả phân loại chi đoàn, sau đó báo cáo với Đoàn cấp trên và cấp uỷ Đảng cơ sở gắn với đánh giá, phân loại của cấp uỷ.
III. Đánh giá, phân loại Đoàn cơ sở:
1. Đánh giá, phân loại theo 4 mức:
a. Đoàn cơ sở vững mạnh:
– Chủ động công tác: chủ động xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, chương trình công tác, thực hiện tốt các chủ trương công tác của cấp uỷ và Đoàn cấp trên; chủ động phát triển đoàn viên mới và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, phát triển các hình thức tập hợp đoàn kết thanh niên; chủ động củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đoàn, Hội và nâng cao chất lượng các BCH chi đoàn; chủ động công tác phụ trách, hướng dẫn thiếu niên nhi đồng, chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, liên kết phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác thanh thiếu nhi.
– Có ít nhất 2/3 tổng số chi đoàn được xếp loại vững mạnh và khá (vững mạnh chiếm ít nhất 1/3), không có chi đoàn yếu kém.
– Có đội ngũ Ban Chấp hành đoàn kết, nhiệt tình, gương mẫu và có năng lực công tác.
– Được cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đánh giá vững mạnh.
b. Đoàn cơ sở khá:
Là Đoàn cơ sở đạt các tiêu chuẩn nêu trên ở mức độ khá, có ít nhất 1/2 tổng số chi đoàn xếp loại khá trở lên, không có chi đoàn yếu kém.
c. Đoàn cơ sở trung bình:
– Ban Chấp hành Đoàn thiếu chủ động công tác, có dưới 1/2 tổng số chi đoàn xếp loại khá trở lên, còn chi đoàn yếu kém nhưng chiếm tỷ lệ không quá 5%.
– Vai trò của tổ chức Đoàn ở địa phương, đơn vị chưa rõ.
d. Đoàn cơ sở yếu kém:
– Có bộ máy Ban Chấp hành Đoàn song không duy trì được sinh hoạt và hoạt động.
– Có trên 2/3 tổng số chi đoàn xếp loại trung bình và yếu kém.
Các cấp bộ đoàn cụ thể hoá các tiêu chuẩn trên cho phù hợp với địa phương đơn vị mình. Cấp huyện, thị trực tiếp đánh giá phân loại hàng năm.
IV. Mức thu và tỷ lệ trích nộp Đoàn phí:
Mức đóng đoàn phí: đối với các đoàn viên có lương là 2.000đ(hai nghìn đồng), đoàn viên không có lương là 1000đ (một ngàn đồng) một người trong một tháng.
– Đoàn viên được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam thì thôi đóng đoàn phí.
– Mức trích nộp đoàn phí: Từ cấp chi đoàn trở lên được giữ lại 2/3 (hai phần ba) và trích nộp lên cấp trên trực tiếp là 1/3 (một phần ba) tổng số tiền đoàn phí do đoàn viên hoặc tổ chức Đoàn cấp dưới nộp lên.