Sản xuất thành công giống nhân tạo điệp seo

547

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula tại Khánh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu, đánh giá cao. Đề tài đã tạo thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hướng đi mới

Theo Thạc sĩ Phan Thị Thương Huyền – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, chủ nhiệm đề tài, tại Việt Nam, điệp seo được phân bố chủ yếu ở vùng biển vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) ở độ sâu 5 – 25m. Hiện nay, điệp seo có giá bán khá cao, giá thương phẩm thu mua tại chỗ từ 450.000 đến 600.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Những năm gần đây, do việc khai thác không hợp lý (khai thác kích thước còn quá nhỏ, từ 40 đến 70 mm – kích thước điệp seo chưa tham gia sinh sản lần đầu) nên nguồn lợi điệp seo mất dần khả năng tự tái tạo, phục hồi mật độ quần thể. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, những năm 2000, sản lượng khai thác điệp seo khoảng 30 – 40 tấn/năm. Những năm gần đây, sản lượng giảm dần và đến nay, theo người dân, sản lượng thu được không đáng kể. Do đó, việc nuôi điệp seo từ con giống nhân tạo là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và phục hồi nguồn lợi.

Thả giống nuôi thương phẩm điệp seo.
Thả giống nuôi thương phẩm điệp seo.

Chủ động được nguồn giống
Từ thực tế đó, năm 2017, đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula tại Khánh Hòa” được triển khai thực hiện. Qua 2 năm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật như: Tỷ lệ điệp seo bố mẹ thụ tinh đạt 86,72%, tỷ lệ nở trung bình đạt 92,03%; tỷ lệ sống của ấu trùng chữ D đến con giống cấp I (1 – 3 mm) dao động từ 3,5 đến 4,4%; tỷ lệ sống của con giống từ cấp I lên cấp II (10 – 15mm) đạt 30,28%. Sau 3 đợt sản xuất, đề tài đã thu được 510.000 con giống điệp seo cấp I và 154.000 con giống điệp seo cấp II. “Hình thức ương điệp seo cấp I lên cấp II ngoài lồng bè cho sinh trưởng cao hơn nuôi trong bể xi măng. Tuy vậy, tỷ lệ sống của điệp seo nuôi trong bể xi măng cao hơn nuôi biển do môi trường nước ổn định, trong sạch và không có địch hại”, bà Huyền cho biết.

Đề tài đã chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo cho 5 cơ sở sản xuất. Kết quả, các cơ sở đã sản xuất giống cấp II với tổng sản lượng 28.200 con. Ông Hà Ngọc Khoa (thôn Tân Thành, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa), một trong những hộ tham gia sản xuất giống cấp II cho biết: “Sau 3 tháng tập huấn thực hành tại cơ sở thực nghiệm của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cơ sở của tôi đã tự sản xuất được 6.000 con giống với kích cỡ  từ 10 đến 15mm, điệp seo phát triển rất tốt”.

Song song với quy trình sản xuất con giống, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 2 mô hình thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo (nuôi đơn và nuôi ghép) tại thôn Xuân Tự 1 và thôn Xuân Vinh (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh). Sau 12 tháng nuôi thử nghiệm, 2 mô hình thu được 109,05kg điệp seo thương phẩm. Trong đó, mô hình nuôi đơn điệp seo có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mô hình nuôi ghép. Cụ thể, mô hình nuôi đơn đạt 69,1mm chiều dài, 71,2mm chiều cao, trọng lượng đạt 50,2gam; mô hình nuôi ghép đạt 64,2mm chiều dài, 65,8mm chiều cao, trọng lượng 47,7gam.  

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá: “Đây là một đề tài khó nhưng có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng nhu cầu con giống của người dân. Lâu nay, người dân chủ yếu khai thác điệp seo ngoài tự nhiên, không chỉ sản lượng ít mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Năm 2005, tỉnh đã có đề tài nghiên cứu bước đầu về điệp seo. Trên cơ sở đó, đề tài lần này đã hoàn thiện hơn quy trình sản xuất giống điệp seo. Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã sản xuất được giống nhân tạo điệp seo phù hợp với điều kiện tự nhiên Khánh Hòa. Đồng thời, từ chính con giống này, nhóm nghiên cứu đã nuôi thử nghiệm thành công điệp seo thương phẩm. Điệp seo phát triển tương đương với ngoài tự nhiên và đã chủ động được nguồn giống nuôi. Đề tài đã tạo thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Báo Khánh Hòa